Tết Trung Thu Bergen 2012
Tết Trung Thu Bergen 2012
Chiều ngày thứ Bảy 06.10.2012, vợ chồng tôi đưa cháu gái đến tham dự Tết Trung Thu tại hội trường tập thể thao của trường học Saint Paul. Được biết đây là lần tổ chức Tết Trung Thu thứ hai do Hội Người Việt Tự Do Bergen tổ chức, nhưng lần trước, vợ chồng tôi phải đi xa nên không có mặt.
Chúng tôi đến hơi sớm, nhưng không ngờ đã có nhiều phụ huynh và con em đã có mặt, trong đó có cả những phụ huynh người Na Uy lập gia đình với người Việt. Cũng nhờ đến sớm nên mới có dịp nói chuyện với những phụ huynh khác mà lâu ngày không có dịp gặp.
Tấm hình này tôi chụp được cho thấy quang cảnh của hội trường. Chỗ này là Ban Tổ Chức đang chuẩn bị đèn để phát cho các cháu; xa xa đằng kia là phụ huynh hàn huyên; và bên kia là các cháu đang có mặt được hướng dẫn chia theo các đội đeo băng vải cùng màu.
Đến giờ khai mạc, nghi thức Chào Cờ được bắt đầu trước khi buổi sinh hoạt Tết Trung Thu diễn ra sau đó. Thấy mọi người, nhất là các cháu, đứng nghiêm trong lúc chào cờ, tôi thầm nghĩ, qua nghi thức Chào Cờ này, có thể cho các cháu tìm hiểu thêm về lá Cờ Vàng Tự Do thân yêu.
Thay mặt Ban Tổ Chức, anh Nguyễn Mến trong vai trò Trưởng Ban Tổ Chức ngỏ lời cám ơn quý phụ huynh đã dành thì giờ đưa các em cháu đến tham dự Tết Trung Thu năm nay để các em cháu có dịp cùng vui chơi và ghi nhớ ngày Tết dành cho các em cháu (ghi nhận của người viết: Tết Trung Thu còn gọi là Tết Thiếu Nhi). Sau đó anh Nguyễn Mến đã trao lại phần điều hành buổi sinh hoạt cho anh Nguyễn Trung Trực.
Với phong cách sinh hoạt rất tươi vui, sống động, anh Trực đã bắt đầu phần sinh hoạt bằng một phim hoạt họa nói về sự tích Chú Cuội, chị Hằng và sự tích rước đèn.
Tiết mục Múa Lân và Rước Đèn thật hào hứng tạo một khung cảnh vui nhộn, rộn ràng. Nhìn các cháu tung tăng với chiếc đèn Trung Thu bên cạnh các phụ huynh làm tôi liên tưởng những ngày tuổi thơ của mình cùng các bạn trong xóm rước đèn mỗi khi Tết Trung Thu đến.
Phần Múa Lân và Rước Đèn phải tạm ngừng để bước qua những sinh hoạt vui nhộn khác dù biết các cháu vẫn còn muốn rước đèn.
Phần kéo dây thật náo nhiệt với tiếng reo hò của các cháu tham dự.
Sau trò chơi Kéo Dây, anh Trực hỏi các cháu có đói bụng chưa, thì những tiếng reo: Dạ đói!
Nào là hot dog, nào là các loại bánh, nào là trái cây, nào là nước giải khát..., lại còn có xôi dành cho các bậc phụ huynh. Mọi người quây quần, vừa chuyện trò thăm hỏi, vừa thưởng thức món ăn. Bầu không khí thật là vui tươi, thân tình!
Tôi lân la tiếp xúc phụ huynh và được nghe những lời chia sẻ:
"... Thật là vui ..."
"... Năm nay phụ huynh và các cháu tham dự đông hơn năm vừa qua. Với tinh thần phục vụ của Hội Người Việt Tự Do Bergen cho những sinh hoạt lành mạnh, chúng tôi tin là lần tổ chức sang năm, con số sẽ tăng nhiều hơn nữa ..."
"... Việc tổ chức sinh hoạt cho cộng đồng bao giờ cũng đòi hỏi nhiệt tình của người đứng ra tổ chức, nhưng nếu được sự hưởng ứng nồng nhiệt của bà con, thì dù có cực, người tổ chức thấy ấm lòng ..."
"... Có những ý kiến xây dựng cho Ban Tổ Chức để làm sao mỗi lần mỗi phong phú, hấp dẫn, ..."
*
Chương trình được tiếp tục với những trò chơi rất hào hứng với sự tham dự hăng hái của các cháu. Nào là chạy đua đôi, nhảy bao bố... thật là vui nhộn với tiếng vỗ tay ủng hộ không ngừng.
Sau các trò chơi là giờ chia tay, các cháu nhận một gói kẹo trước khi ra về.
Sau hết, mọi người, phụ huynh và các cháu, cùng bước ra ngoài trời để đốt nến nói lên niềm mong ước nào đó cho Quê Hương Việt Nam và thả bóng để những mong ước ấy bay về Quê Hương yêu dấu.
Trên đường về, tôi miên man suy nghĩ về đoạn phim video Chúng Tôi Là Người Việt Nam mà Ban Tổ Chức chiếu: Từng nhóm người, ở khắp nơi trên thế giới, hãnh diện cất cao câu nói Chúng Tôi Là Người Việt Nam. Tôi nghĩ các cháu vì còn nhỏ nên chưa hiểu được điều được gửi gấm trong đoạn phim này, nhưng hình như có gieo vào lòng các cháu rằng các cháu là người Việt Nam dù đang sống ở Na Uy.
Tôi tự hỏi vì sao dù đang sống trên quê người, dù phải hội nhập với đất nước mà mình định cư, nhưng bà con người Việt ở khắp nơi luôn giữ gìn những sinh hoạt truyền thống như ngày Tết Nguyên Đán, như Tết Trung Thu; như khuyến khích con cháu nói tiếng Việt, học tiếng Việt.
Tôi chưa tìm được câu trả lời cho điều tự hỏi bên trên, nhưng một điều đáng mừng là khi các cháu, dù tiếng Na Uy thông thạo như những trẻ em Na Uy, nhưng luôn nói được tiếng Việt như lời bài hát Việt Nam - Việt Nam lúc mọi người chuẩn bị đốt nến: "...Việt Nam hai câu nói trên vành môi...".
Viết cho mùa Tết Thiếu Nhi 2012 và cho cháu thương yêu của Ngoại!