Bản Điều Lệ Hội Người Việt Tự Do Bergen
Bản Điều Lệ Hội Người Việt Tự Do Bergen: Đây là bản văn ghi rõ Danh Xưng, Mục Đích, Tôn Chỉ, Sự Tổ Chức và Hoạt Động của Hội Người Việt Tự Do Bergen.
Chương 1. Danh Xưng, Mục Đích, Tôn Chỉ
Điều 1. Danh xưng: HỘI NGƯỜI VIỆT TỰ DO BERGEN (HNVTD Bergen).
Điều 2. Mục đích của HNVTD Bergen:
2.1 Xây dựng một cộng đồng người Việt thân thương, đoàn kết và giúp đỡ nhau thăng tiến lành mạnh trong xã hội Na Uy.
2.2 Duy trì và phát triển văn hóa cùng truyền thống dân tộc.
2.3 Trao đổi văn hóa với người bản xứ nhằm tạo sự hài hòa trong xã hội Na Uy.
2.4 Bảo vệ danh dự và quyền lợi chính đáng của tập thể người Việt tại Bergen
2.5 Hỗ trợ công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ cho Việt Nam (xem thêm Chương 5, Điều 26).
Điều 3. Tôn chỉ của Hội là ĐOÀN KẾT – TƯƠNG TRỢ - THÀNH TÍN.
Chương 2. Tổ Chức
Điều 4. HNVTD Bergen là cơ cấu đại diện cho tập thể người Việt tại Bergen.
Điều 5. Mọi người Việt Nam cư ngụ tại Bergen đều có quyền tham gia vào HNVTD Bergen bằng một lá đơn tham gia.
Điều 6. Để điều hành hoạt động của Hội, hội viên ủy quyền cho Hội Trưởng qua một hình thức bầu cử dân chủ (Hội Trưởng thành lập Ban Chấp Hành sau đó).
Điều 7. Thành phần Ban Chấp Hành gồm có:
• Hội Trưởng
• Hội Phó Nội Vụ
• Hội Phó Ngoại Vụ
• Thư Ký
• Ủy Viên Kế Hoạch & Tổ Chức
• Ủy Viên Xã Hội
• Ủy Viên Thanh Niên & Thể Thao
• Ủy Viên Tài Chánh
• Ủy Viên Thủ Quỹ
• Ủy Viên Văn Nghệ
• Ủy Viên Thông Tin
Chương 3. Bầu cử Ban Chấp Hành
Điều 8. Đại hội bầu cử chỉ bầu Hội Trưởng. Hội Trưởng sẽ tự tìm người cộng tác trong các trách vụ còn lại của Ban Chấp Hành.
Điều 9. Hội viên từ 21 tuổi trở lên được quyền ứng cử vào chức vụ Hội Trưởng.
Điều 10. Hội viên từ 18 tuổi trở lên được quyền đề cử người có khả năng và thiện chí vào chức vụ Hội Trưởng. Mỗi hội viên chỉ được đề cử một người.
Điều 11. Hội viên từ 16 tuổi trở lên được quyền bầu cử theo nguyên tắc trực tiếp và kín. Trường hợp không thể đến bỏ phiếu được, cử tri được quyền ủy nhiệm bằng thư cho người khác bỏ phiếu dùm.
Điều 12. Nhiệm kỳ của Hội Trưởng và Ban Chấp Hành là 2 năm.
Điều 13. Đại hội bầu cử sẽ do Hội Trưởng đương nhiệm triệu tập trước khi nhiệm kỳ chấm dứt: Khoảng 1 đến 2 tháng. Đại hội bầu cử được coi là hợp lệ nếu đa số tham dự viên có mặt quyết định sự hợp lệ.
Điều 14. Trong đại hội bầu cử này hội viên đề cử một Ban Giám Sát gồm 3 hay 5 người. Nhiệm kỳ của Ban Giám Sát là 2 năm.
Chương 4. Quyền Hạn và Nhiệm Vụ của Hội Trưởng, Ban Chấp Hành, Ban Giám Sát, Hội Viên
Điều 15. Hội Trưởng:
Đại diện chính thức của Hội.
Điều hành Ban Chấp Hành/HNVTD Bergen trong mọi hoạt động.
Cùng với Ban Chấp Hành hoạch định chương trình hoạt động của Hội. Mọi quyết định đều phải có sự tham gia bàn thảo của Ban Chấp Hành.
Chịu trách nhiệm đối với hội viên về đường lối và hoạt động của Ban Chấp Hành.
Điều 16. Ban Chấp Hành:
* Hội Phó Nội Vụ: Thay mặt Hội Trưởng điều hành HNVTD Bergen mỗi khi Hội Trưởng đi vắng (bằng một văn bản ủy quyền từ Hội Trưởng). Tạo sự liên lạc giữa hội viên và Ban Chấp Hành. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Hội Phó Ngoại Vụ: Thay mặt Hội Trưởng đảm trách các công việc liên quan đến những tiếp xúc với chính quyền Na Uy và hội đoàn Na Uy, ngoại quốc. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Thư Ký: Soạn thảo những văn bản, thực hiện biên bản các buổi họp, lưu trữ tất cả văn bản của HNVTD Bergen. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Ủy Viên Kế Hoạch & Tổ Chức: Hoạch định những công việc nhằm đáp ứng Điều 2 và Điều 3. Soạn thảo kế hoạch cho những công tác lớn như tổ chức Tết, Trung Thu… hằng năm. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Ủy Viên Xã Hội: Thay mặt Ban Chấp Hành viếng thăm người đau bệnh nặng (nằm bệnh viện). Tham dự tang lễ khi có bà con người Việt qua đời. Giúp đỡ hội viên trong lãnh vực quyền lợi xã hội chính đáng. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Ủy Viên Thanh Niên & Thể Thao: Thực hiện những chương trình sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ vào các dịp lễ, mùa hè (thí dụ như trại hè thanh niên cho toàn quốc Na Uy với những sinh hoạt lành mạnh, hữu ích nhằm tạo tình thân và sự dấn thân phục vụ cho Cộng Đồng). Phối hợp với Ủy Viên Văn Nghệ để đưa ra những chương trình sinh hoạt trại. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Ủy Viên Tài Chánh: Thực hiện đơn xin trợ cấp hằng năm. Tạo nguồn tài chánh cho HNVTD Bergen. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Ủy Viên Thủ Quỹ: Quản trị mọi nguồn tài chánh của HNVTD Bergen. Thực hiện báo cáo thu chi hằng năm (hay mỗi công tác lớn như tổ chức Tết). Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Ủy Viên Văn Nghệ: Thực hiện mọi chương trình văn nghệ cho các buổi tổ chức lớn như Tết hằng năm. Thay mặt Ban Chấp Hành tiếp xúc với các hội đoàn để mời gọi sự cộng tác trong lãnh vực văn nghệ. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
* Ủy Viên Thông Tin: Thực hiện những phóng sự sinh hoạt của HNVTD Bergen để đăng báo Vượt Sóng. Phối hợp với Hội Phó Ngoại Vụ để thực hiện những bài viết đăng báo Na Uy khi có nhu cầu. Chịu trách nhiệm trước Hội Trưởng về phần hành của mình.
Điều 17. Các vai trò của Ban Chấp Hành có thể thêm hay bớt tùy theo nhu cầu hoặc khi có một thành viên từ chức.
Điều 18. Ban Giám Sát: Có trách nhiệm theo dõi mọi hoạt động của Hội Trưởng và Ban Chấp Hành đi đúng tinh thần của Chương 1. Trong trách nhiệm theo dõi, Ban Giám Sát có 2 lần họp định kỳ trong năm với toàn Ban Chấp Hành; ngoài ra, Ban Chấp Hành sẽ chuyển tất cả biên bản buổi họp của Ban Chấp Hành cho Ban Giám Sát.
Trong trường hợp Hội Trưởng và Ban Chấp Hành không đi đúng tinh thần của Chương 1, Ban Giám Sát sẽ triệu tập một đại hội bất thường để trình bày những dữ kiện chính xác chứng minh Hội Trưởng và Ban Chấp Hành không đi đúng tinh thần của Chương 1.
Điều 19. Quyền hạn và nghĩa vụ của hội viên:
a. Đề nghị với Hội Trưởng và Ban Chấp Hành những công tác lợi ích cho gia đình, con em và tập thể hội viên.
b. Yêu cầu sự can thiệp của Hội trong những trường hợp khó khăn đối với xã hội Na Uy.
c. Được quyền tham dự mọi sinh hoạt của HNVTD.
d. Đóng niên liễm.
Chương 5. Hoạt Động Của Ban Chấp Hành
Điều 20. Đường lối và hoạt động của Ban Chấp Hành phải đáp ứng đúng Điều 2 và Điều 3 của Chương 1.
Điều 21. BCH tổ chức các sinh hoạt định kỳ hằng năm (trong khả năng và phương tiện cho phép) như: Tết Nguyên Đán (mùng 1 Tháng Giêng Âm lịch), Ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba Âm lịch), Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư, Tết Trung Thu (15 tháng Tám Âm lịch). Ngoài những sinh hoạt định kỳ hằng năm, BCH có thể thực hiện thêm những sinh hoạt khác tùy theo nhu cầu và khả năng.
Điều 22. BCH tổ chức các sinh hoạt cho thanh niên và thiếu nhi vào các dịp thuận tiện và tùy khả năng cho phép.
Điều 23. Tùy nhu cầu và tùy từng sinh hoạt, BCH có thể thành lập một ban tổ chức với sự góp mặt của các Tôn Giáo và Hội Đoàn.
Điều 24. Báo cáo hoạt động, tài chánh của Hội hằng 6 tháng đến hội viên. Tổ chức đại hội định kỳ hằng năm để tạo cơ hội cho hội viên có dịp gặp gỡ để bàn thảo, góp ý, xây dựng… những sinh hoạt của Hội.
Điều 25. BCH họp một năm ít nhất 2 lần định kỳ không kể những buổi họp bất thường hoặc những buổi họp liên quan đến những buổi sinh hoạt định kỳ ghi ở Điều 21.
Điều 26. Minh định việc thi hành Khoản 2.5: “Hỗ trợ công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ cho Việt Nam” ghi ở Chương 1. Vì Hội không phải là một tổ chức đảng phái đấu tranh chính trị nên Hội không trực tiếp đề ra hay phát động những sinh hoạt đấu tranh chính trị. Tuy nhiên, trong cương vị những người Việt không chấp nhận chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam và quý trọng lý tưởng Tự Do, Dân Chủ nên Hội sẵn sàng hỗ trợ các công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ cho Việt Nam do các đơn vị đấu tranh kêu gọi. Mỗi sinh hoạt phải được BCH thẩm định trước khi thông báo kêu gọi hội viên hỗ trợ.
Chương 6. Rút Tên - Từ Chức - Giải Nhiệm
Điều 27. Mọi hội viên đều có quyền rút tên khỏi Hội. Hội viên muốn rút tên khỏi Hội phải gửi thư trên bản giấy có chữ ký đến Hội Trưởng đương nhiệm. Hội Trưởng đương nhiệm sẽ thông báo sự rút tên này cho Ban Chấp Hành và toàn thể hội viên trong bản báo cáo định kỳ về hoạt động của Hội (xem thêm Chương 5, Điều 24).
Điều 28. Mọi thành viên Ban Chấp Hành đều có quyền xin từ chức bằng một đơn trên bản giấy có chữ ký gửi đến Hội Trưởng.
Điều 29. Khi Hội Trưởng muốn từ chức hay bị giải nhiệm, Hội Phó Nội Vụ sẽ đương nhiên trở thành Hội Trưởng cho hết nhiệm kỳ.
Điều 30. Hội Trưởng hay thành viên Ban Chấp Hành đều có thể bị giải nhiệm trong một đại hội bất thường do Ban Giám Sát triệu tập nếu Hội Trưởng hay thành viên Ban Chấp Hành không đi đúng tinh thần của Chương 1.
Điều 31. Hội viên có quyền đề nghị giải nhiệm Hội Trưởng hay thành viên Ban Chấp Hành, nhưng phải thực hiện trên một bản giấy có chữ ký và gửi cho Ban Giám Sát (Ban Giám Sát có trách nhiệm bảo mật những đề nghị này của hội viên) với những chứng minh Hội Trưởng hay thành viên Ban Chấp Hành không đi đúng tinh thần của Chương 1.
Điều 32. Tham dự viên trong đại hội bất thường này biểu quyết sự hợp lệ của đại hội bất thường trước khi Ban Giám Sát bắt đầu trình bày những diễn tiến liên quan đến việc giải nhiệm Hội Trưởng hay thành viên Ban Chấp Hành.
Điều 33. Trong trường hợp Hội Trưởng và toàn Ban Chấp Hành đương nhiệm bị giải nhiệm, Ban Giám Sát có trách nhiệm thành lập Ban Bầu Cử để bầu Hội Trưởng mới trong thời gian sớm nhất. Mọi phương tiện, tài sản của Hội sẽ do Ban Giám Sát gìn giữ và trao lại cho vị Hội Trưởng mới.
Chương 7. Những Điều Khoản Đặc Biệt
Điều 34. Tập thể Người Việt Tỵ Nạn tại Bergen là một thành phần của tập thể Người Việt Tỵ Nạn tại Na Uy. Vì thế, mặc dù sinh hoạt độc lập về mọi mặt, nhưng HNVTD Bergen vẫn sẵn sàng đứng chung và phối hợp sinh hoạt với các hội đoàn ở các địa phương khác nhằm đáp ứng Chương 1, Điều 2 và Điều 3.
Điều 35. Hội không chấp nhận bất cứ hình thức liên lạc nào với nhà cầm quyền CSVN tại Na Uy hay từ trong nước. Trường hợp bị gửi thư liên lạc, Hội không cần hồi đáp cho dù chỉ để khước từ. Trường hợp CSVN tìm cách liên lạc với Hội qua một cơ quan hay cá nhân không phải là Việt Nam, thì Hội sẽ phúc đáp cho cơ quan hay cá nhân đó bằng thư với nội dụng thỉnh cầu họ không bao bao giờ nên làm trung gian như thế nữa. Tùy trường hợp thư có thể trình bầy thêm quan điểm chính trị của Hội đối với CSVN trong vụ việc liên hệ.
Chương 8. Sửa Đổi Điều Lệ
Điều 36. Bản Điều Lệ này có thể được mọi hội viên đề nghị sửa đổi, thêm bớt một số Điều Khoản để thích ứng với nhu cầu và hoàn cảnh.
Điều 37. Một đại hội được Hội Trưởng triệu tập để trưng cầu ý kiến về những sửa đổi, thêm bớt này. Đại hội sẽ quyết định sự hợp lệ trước khi bắt đầu trưng cầu ý kiến. Mọi sửa đổi, thêm bớt có hiệu lực sau đại hội này.
Chương 9. Giải Tán
Điều 38. Đại hội bất thường quyết định sự hợp lệ trước khi trưng cầu ý kiến về sự giải tán HNVTD tại Bergen. Mọi văn bản, tài chánh, phương tiện… của Hội sẽ trao cho một ủy ban (đề cử trong đại hội bất thường này) để giữ gìn.
Điều 39. Hội Trưởng cuối cùng có nhiệm vụ thi hành các quyết định của đại hội bất thường này và thông báo đến các hội đoàn Việt Nam tại Na Uy về quyết định giải tán này.
Chương Cuối Cùng. Hiệu Lực của Điều Lệ
Điều 40. Bản Điều Lệ này có hiệu lực kể từ đại hội bầu Hội Trưởng nhiệm kỳ đầu tiên. Hội Trưởng và Ban Chấp Hành nhiệm kỳ đầu tiên và tất cả nhiệm kỳ sau đó đều có nhiệm vụ chiếu Điều Lệ này để thi hành.