Cộng đồng Việt Nam Bergen tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 37

Cộng đồng Việt Nam Bergen

tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 37

 

 

 

            BA MƯƠI THÁNG TƯ còn mãi trong lòng người Việt tị nạn chúng ta!

            Năm nay, trong thư mời cộng đồng tham dự ngày đau buồn này, hội NVTD Bergen nêu rõ: ”Tưởng niệm ngày Quốc Hận này là dịp để chúng ta, những người con đất Việt chứng tỏ rằng, dù đang được sống trong tự do, ấm no nơi đất khách quê người, nhưng không quên đất mẹ còn đang phải quằn quại dưới ách thống trị của Cộng Sản Việt Nam”. Ý tưởng này hướng đến một chiều sâu tưởng niệm biến cố đau thương BA MƯƠI THÁNG TƯ, đồng thời lấy việc tưởng niệm này làm nền tảng cho ý thức và hành động hướng về một quê hương và dân tộc Việt Nam tự do, dân chủ thực sự trong tương lai. Trong tinh thần đó, người Việt Bergen cử hành lễ tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 37.

1.      Các lễ cầu nguyện: Hội NVTD Bergenđã xin hai tôn giáo lớn là Phật Giáo và Công Giáo cử hành các lễ cầu nguyện cho quê hương và dân tộc sớm có được một nền công lý chân chính, cầu nguyện cho những người đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, vì công cuộc xây dựng công lý tại Việt Nam; cũng nhớ đến những chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh trong ngày 30.04.1975, nhớ đến những đồng bảo bỏ mình trên đường vượt biên tìm tự do.

 

Lễ thứ nhất  được cử hành tại Chùa Pháp Vũ, lúc 19g00 ngày thứ hai 30.04.2012, do đại đức Viên Tánh chủ lễ.

 

            

 

Lễ thứ hai được cử hành tại nhà thờ St.Paul, lúc 19g00 ngày thứ tư 02.05.2012, do linh mục Đặng Quang Tiến chủ lễ.

 

Được biết ban tổ chức mong ước cả hai lễ đều được cử hành đúng ngày 30.04.2012, nhưng vì lịch sinh hoạt của nhà thờ St.Paul không thay đổi được, nên Lễ cầu nguyện tại đây được rời đến ngày 02.05.2012. Tuy nhiên, vì khác ngày, nên bà con có dịp dự cả hai lễ, đồng thời cũng có chút thời gian hàn huyên bên nhau trong tình đồng hương.

 

 

2.      Lễ tưởng niệm Quốc Hận tại trường Katedral.

 

Ngày 01.05.2012, từ 15g00-18g00,  Lễ tưởng niệm Quốc Hận  được tổ chức tại trường

trung học Katedral.

 

    

 

Bàn thờ tổ quốc thêm uy nghi, khi có đặt di ảnh của năm vị tướng QLVNCH đã tuẫn tiết trong ngày 30.04.1975, đó là chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, chuẩn tướng Lê Văn Hưng, chuẩn tướng Trần Văn Hai, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam và thiếu tướng Phạm Văn Phú. Có cả di ảnh đại tá Hồ Ngọc Cẩn, vị chỉ huy dã không buông súng theo lệnh đầu hàng của T.T. Dương Văn Minh lúc đó, và tiếp tục chiến đấu cho đến khi bị cộng quân vây hãm và bắt sống, để rồi bị chúng sử tử ngày 14.08.1975.

 

Khác với mọi năm, năm nay, ngoài nghi thức chào cờ - mặc niệm, có lễ dâng hương cung kính vong linh tất cả quân cán chính các cấp đã hy sinh đền nợ nước trong suốt chiều dài lịch sử chiến đấu bảo vệ nền tự do dân chủ của nước VNCH, cách riêng những vị đã hy sinh trong ngày cuối cùng của đất nước này. Điểm đặc biệt hơn nữa, lễ dâng hương được cử hành bởi 3 vị phụ nữ, đại diện cho các hiền mẫu, hiền thê, hiếu nữ của toàn thể quân-cán-chính, những người tuy ở hậu phương, nhưng phải xem như trực tiếp hứng chịu muôn vàn đắng cay, tủi hờn vì mất con, mất chồng, mất cha trong chinh chiến.

 

    

 

Linh thiêng và cảm động vô cùng, khi nhìn vào đoàn người nối tiếp nhau, lặng lẽ tiến lên bàn thờ tổ quốc, thắp nến cầu kinh cho linh hồn chiến sĩ, cán bộ và đồng bào đã anh dũng hy sinh, hay nghiệt ngã nằm xuống vào những giây phút cuối của lịch sử Miền Nam Việt Nam, giờ phút ghi trang sử đen của dân tộc, ngày Quốc Hận. Bài hát Nước Mắt Mẹ Tôi được mở nhẹ vừa đủ nghe đã gây xúc động lạ thường!

 

Có lẽ hôm nay cũng là lần đầu tiên trong 37 lần tưởng niệm Quốc Hận, những người đến dự lễ gần như tìm thấy nhau trong tình huynh đệ ”trăm trứng trăm con”, bởi ai cũng phải thổn thức trong lòng, khi lên thắp cây nến, đốt cây nhang, tạ lỗi với những bậc đã hy sinh cho một VNCH rằng: hôm nay mình còn được hiện hữu, nhưng nợ nước kia vẫn chưa sao trả được. Nỗi niềm ấy đã bất giác thoát ra bằng tiếng nấc, tiếng nghẹn ngào, bật khóc tức tưởi... Tất cả đã cho người tham dự ngày tưởng niệm một cái gì đó mang theo trong lòng.   

 

Sau những giây phút tưởng niệm dạt dào trong nước mắt, chương trình bước sang phần diễn đàn và thảo luận. Chắc chắn những giọt nước mắt khóc quê hương đã làm cho những phát biểu chân thành hơn, yêu thương hơn, nhiệt tâm và cương quyết hơn.

 

Mở đầu phần chia sẻ của thế hệ tị nạn thứ nhất, ông Liêu Lai lược qua những cột mốc lịch sử tranh đấu quan trọng và không bao giờ có thể quên được. Bài nói chuyện của ông ngắn gọn, nhưng hy vọng nó sẽ là một phần ”nhiên liệu” cho giới trẻ lên đường. Thời lượng dành cho thế hệ tị nạn thứ nhất không nhiều lắm, vì thế tất cả mọi người phát biểu đều phải được ”bấm giờ”. Hôm nay các bậc tiền bối tha thiết được nhìn thấy thế hệ tị nạn thứ hai, mà từ gần hai năm qua đã có một số các em cháu dấn thân cho cộng đồng, nay ước mong sớm có một ngày thế hệ phụ huynh được ”gác kiếm”  thực sự trong tin yêu rằng thế hệ tị nạn thứ hai sẽ tự đứng, tự đi và làm tất cả để đạt được mục tiêu cha anh bỏ dỡ, thực hiện tất cả bằng kiến thức và cách thể thích  hợp nhất với thời đại của mình.

 

Sau 30 phút giải lao, chương trình chuyển qua phần dành riêng cho người trẻ. Tuy nhiên, vì số người trẻ đến dự lễ tưởng niệm không quá 15, nên các cháu đồng ý rằng đề tài ”bạn nghĩ gì về tình hình hiện nay của Việt Nam” sẽ được chia sẻ chung với mọi người, cho thêm phần ấm cúng, hơn nữa nhờ thành phần cử tọa đông giúp cho người phát biểu hào hứng hơn. Anh nguyễn Minh Trung trách nhiệm điều khiển phần thảo luận này. Sau khi giải thích hướng đi của phần chia sẽ, Minh Trung tiên phong với sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa... Rồi mỗi người lần lượt nói lên một trải nghiệm sâu đậm gặt hái được từ một lần về Việt Nam, nhờ đó nhận ra được CSVN là ai và họ đang tàn phá quê hương yêu dấu đến như thế nào.

 

Để kết luận cho phóng sự này, xin ngắn gọn rằng: người đến dự không quá con số 80, kể cả cháu bé còn phải bồng bế trên tay, nhưng không khí tưởng niệm hôm nay chắc chắn để lại những dấu ấn thật sâu đậm trong lòng mọi người. Vậy, đến hẹn chúng ta lại lên nha, nhưng cầu mong cho cái hẹn này sớm không còn nữa.

 

Người Bergen, NCH